Lịch sử Chính_thống_giáo_Đông_phương

Hội thánh tiên khởi

Kitô giáo phát triển mau chóng trên toàn lãnh thổ Đế quốc La Mã, một phần nhờ tiếng Hy Lạp là chuyển ngữ (lingua franca) được sử dụng rộng rãi trong dân chúng, phần khác là do thông điệp Kitô giáo được xem là mới và khác với các tôn giáo cũ của người La Mã và người Hy Lạp. Phao-lô và các sứ đồ khác đi khắp nơi trong Đế chế, trong đó có vùng Tiểu Á, thiết lập hội thánh trong các cộng đồng dân cư, từ thành JerusalemXứ Thánh, đến Antioch và vùng phụ cận, đến La Mã, Alexandria, Athens, Thessalonika, và Byzantium. Byzantium về sau chiếm vị trí nổi bật ở phương đông, được mệnh danh là La Mã mới. Trong thời kỳ này, Kitô giáo cũng là mục tiêu của nhiều đợt bách hại, nhưng hội thánh vẫn tiếp tục phát triển. Năm 324, Hoàng đế Constantine chấm dứt các cuộc bách hại.

Trong thế kỷ thứ tư, hội thánh phát triển sâu rộng trên nhiều xứ sở, cũng là lúc xuất hiện nhiều giáo thuyết mới, đáng kể nhất là học thuyết Arius. Học thuyết này gây nhiều ảnh hưởng, đồng thời là nguyên nhân của những tranh luận thần học bên trong hội thánh. Constantine quyết định triệu tập một công đồng lớn nhằm xác lập các quan điểm thần học cho giáo hội.

Các công đồng

Chính thống giáo công nhận bảy công đồng đại kết, được triệu tập từ năm 325 (Công đồng Nicaea I) đến năm 787 (Công đồng Nicaea II). Các công đồng này được triệu tập để giải quyết các tranh chấp thần học, đồng thời khẳng định giáo lý và giáo luật cho Chính thống giáo.

Các dân tộc Slavơ

Đoàn rước Thánh giá ở Novosibirsk, Siberia

Trong thế kỷ thứ 9 và 10, Chính thống giáo phát triển về phía đông châu Âu, đến lãnh thổ Rus’ ở Kiev (một quốc gia thời Trung Cổ - tiền thân của Nga, UkrainaBelarus) nhờ những nỗ lực của các thánh Kyrillos và Methodios. Khi Rastislav, vua Moravia, yêu cầu Byzantium gởi giáo viên đến dạy người Moravia bằng ngôn ngữ của họ, Hoàng đế Byzantine, Michael III, chọn hai anh em Kyrillos và Methodios. Vì mẹ của họ là người Slav đến từ Thessaloniki, cả hai đều có thể sử dụng phương ngữ Slav để dịch Kinh Thánh và các sách kinh cầu nguyện. Khi các bản dịch của họ được những người sử dụng các phương ngữ khác sao chép, một ngôn ngữ văn chương gọi là tiếng Slav Giáo hội cổ được hình thành. Được sai phái truyền giáo cho người Slav ở vùng Đại Moravia, Kyrillos và Methodios phải cạnh tranh với các giáo sĩ người Frank đến từ giáo phận Rôma. Năm 886, các môn đồ của họ bị trục xuất khỏi Moravia.

Một số trong những môn đồ của Kyrillos và Methodios như Clement, Naum (thuộc dòng dõi quý tộc Bulgaria), và Angelarius, trở lại Bulgaria. Tại đây, họ được Tsar Boris I đón tiếp. Trong một thời gian ngắn, những người này dạy các chức sắc Bulgaria bảng mẫu tự Glagolitic và các văn bản Kinh Thánh. Năm 893, ngôn ngữ Slav được công nhận là ngôn ngữ chính thức của giáo hội và nhà nước. Những thành công tại Bulgaria giúp đẩy mạnh các hoạt động qui đạo của các dân tộc Slav, đáng kể nhất là dân tộc Rus’, thủy tổ của các sắc dân Belarus, Nga, và Ukraine.

Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công trong công cuộc truyền giáo cho các dân tộc Slav là các nhà truyền giáo sử dụng ngôn ngữ địa phương thay vì tiếng Latinh, không giống cách các giáo sĩ Roma vẫn làm. Hiện nay, Giáo hội Chính thống giáo Nga là giáo hội lớn nhất trong cộng đồng Chính thống giáo.

Đại Ly giáo

Tu viện Stavronikita, Núi Athos, Hy Lạp.

Thế kỷ 11 chứng kiến cuộc Đại Ly giáo, chia cắt giáo hội thành hai phần, phương Tây với Giáo hội Công giáo Rôma, và phương Đông với Giáo hội Chính thống Đông phương. Ngoài những bất đồng về thần học như mệnh đề Filioque, và thẩm quyền của Giáo hoàng, những dị biệt từ trước đó về văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nền văn hóa Latinh và Hy Lạp cũng là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự chia cắt.

Sự chia rẽ càng thêm nghiêm trọng sau sự chiếm đóng và cướp phá thành Constantinople trong cuộc thập tự chinh thứ tư vào năm 1204. Sự kiện cướp phá Nhà thờ Hagia Sophia (Thánh Trí) và nỗ lực thiết lập Đế quốc Latinh nhằm thay thế Đế quốc Byzantium vẫn là một mối hiềm khích giữa hai phía kéo dài cho đến ngày nay. Năm 2004, Giáo hoàng Gioan Phaolô II chính thức xin lỗi về việc tàn phá thành Constantinople năm 1204; và lời xin lỗi được Thượng phụ Bartholomew thành Constantinople chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều đồ vật bị đánh cắp như thánh tích, tài sản và nhiều món đồ khác, vẫn chưa được hoàn trả, nhưng còn lưu giữ ở phương Tây, nhất là ở Venice.

Năm 1272 tới năm 1274 đã có những nỗ lực hàn gắn phương Đông và phương Tây tại Công đồng Lyon II, cũng như năm 1439 tại Công đồng Florence. Nhưng cả hai công đồng đều bị cộng đồng Chính thống giáo bác bỏ. Năm 1964, Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Đại kết Athenagoras I đã có cuộc gặp ở Jerusalem và vào năm sau đó, vạ tuyệt thông năm 1054 đã được hai giáo hội xóa bỏ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính_thống_giáo_Đông_phương http://www.adherents.com/Na/Na_264.html http://www.ewtn.com/library/ENCYC/B14ALLAT.HTM http://www.kurskroot.com/orthodox_dictionary.html http://www.pravoslavieto.com/docs/eng/Orthodox_Cat... http://www.antiochian.org/node/19273 http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf204.vii.ii.i.h... http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf204.vii.ii.liv... http://www.holy-trinity-church.org/index.php?optio... http://orthodoxeurope.org/page/10/1.aspx http://orthodoxpraxis.org/?p=509